VSATTP: Vô cảm - vô nhân tính - vô tránh nhiệm?
25/05/2009 11:32 (GMT +7)
25/05/2009 11:32 (GMT +7)
Hàng năm, Bộ Y tế đều phát động "Tháng hành động về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm" để từng bước nâng cao ý thức của cộng đồng.
Tuy nhiên, những người kinh doanh kiểu chụp giật đều bỏ qua. Kể cả khi đối mặt với những đợt dịch tiêu chảy cấp làm không ít người thiệt mạng vẫn có không ít kẻ vô cảm, coi lợi nhuận trên hết, bất chấp các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Chó được giết mổ ngay trên nền đất bẩn thỉu |
Vô cảm, vô nhân tính...
Có rất nhiều du khách nước ngoài nhận xét, thức ăn đường phố của Việt Nam rất đặc sắc, phong phú và hấp dẫn nhưng cũng... rất mất vệ sinh. Một doanh nhân người Anh sống lâu năm tại Hà Nội đã làm động tác đưa tay lên mũi ngoáy ngoáy rồi bôi xuống quần và nói lơ lớ "sau đó bà chủ quán bốc bún và thịt cho khách ăn".
Bạn hãy thử một lần nhìn vào nơi sơ chế thức ăn hoặc nơi rửa bát đĩa của một vài quán ăn bất kì ở Hà Nội. Tôi đã từng lặng lẽ rời một quán cơm trên đê La Thành, chấp nhận nhịn đói khi thấy đống lòng cá, vẩy cá, phân gà, vịt (vừa làm lòng xong) lẫn lộn với thứ nước đỏ nhờ nhờ bên cạnh rổ rau sống.
Vì lợi nhuận, hầu hết các quán cơm bình dân đều không để phí bất cứ thứ gì ăn thừa của khách: Rau sống ăn thừa đổ vào rổ rồi bốc cho người ăn sau; thịt luộc ăn thừa thì băm ra làm chả xương xông... Những hành vi đó rất đáng bị lên án, nhưng có những hành vi khác còn kinh khủng hơn, tàn nhẫn hơn. Đó là làm lòng lợn, sách bò bằng nước ao tù; là ướp phocmon vào bánh phở; là rửa rau bằng nước tù ở bãi tha ma; là cho bột đá vào kẹo...vv và vv.
Cách đây hơn một năm, khi những hình ảnh hai vợ chồng người bán lòng và sách bò ở khu vực Ba La, Hà Đông được phát trên ti vi đã khiến không ít người muốn ói. Ngay sau phần sách bò trắng ngần bày bán ở lề đường là một người phụ nữ dùng đôi ủng cáu bẩn đang dẫm đạp lên đống sách bò đen sì được vứt lổm ngổm trên nền mấy viên gạch vỡ. Đạp, dẫm chán chê, những miếng sách bò được người phụ nữ vứt vào một chiếc thùng xốp chứa hóa chất đục ngầu sau đó được đưa sang vùng nước "trâu dầm" đen ngòm cạnh đó để làm sạch.
Cách đây chưa lâu, CA phường Khâm Thiên đã tiến hành kiểm tra hành chính gia đình Phan Đăng Vân (ngõ Thiên Hùng, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa) và phát hiện nhiều thùng sách bò đã đóng kiện có mùi hôi thối. Vân đã phải thừa nhận trước khi giao bán sách bò cho các nhà hàng, y đã ngâm tẩm sách bò vào một dung dịch lỏng. Nhờ công đoạn này, mỗi chiếc sách bò nặng từ 0,5kg đã nở thành 1,5kg. Theo cơ quan Thú y quận Đống Đa, đây là loại hóa chất đặc biệt và rất nguy hiểm cho người sử dụng. Chắc chắn, sau khi xem và nghe những "công nghệ xử lý" sách bò kiểu này, chỉ có ai "IC" có vấn đề mới dám động đến món này.
Để có những bìa đậu phụ mịn và trắng bóc, một số người sản xuất đậu phụ đã dùng thạch cao để làm phụ gia. Theo cách làm dân gian, đậu sau khi xay và nấu phải cho nước chua vào để tạo độ đông kết. Nhưng dùng nước chua thì độ đông kết thấp, khi ép sẽ rất hao. Thay nước chua bằng thạch cao, độ đông kết rất nhanh, ít hao, ăn lại có vẻ ngon hơn. Tuy nhiên, khi sử dụng thạch cao thì đậu sẽ bớt béo, vì thế một số cơ sở đã bỏ bột béo vào trong đậu phụ để đánh lừa cảm giác người tiêu dùng... Theo những người có kinh nghiệm trong nghề làm đậu, tại các TP lớn, việc dùng thạch cao để làm đậu là chuyện "đương nhiên, miễn bàn". Tiền lãi chui vào túi những người làm đậu, còn những căn bệnh nguy hiểm như: Táo bón, suy thận, nhiễm độc, ung thư... sẽ bám vào người tiêu dùng.
Theo lời kể của một tay buôn chó, một vài người trong làng đã đi gom thu những con chó gầy đét, ghẻ lở hoặc bị chết do đánh bả hoặc bị câu với giá rẻ rồi về "độ" cho chúng thành những con chó thui vàng ươm, béo núc ních. "Công nghệ" khá đơn giản, chó chết thì đem chôn xuống đất, chó gầy thì nhét bao tải ném xuống ao. Sau một ngày, xác những con chó đã trương cứng được đem lên làm lông, bôi nước màu rồi thui vàng, lúc này ươn đã thành tươi, gầy đã thành béo. Chỉ cần nhìn con chó tròn căng, láng bóng, khoe sắc da nâu sậm là nhiều người đã như phải... bả.
Dưa, cà muối trong những chiếc xô cáu bẩn |
Chuyện rau xanh ở thông Chằm (Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội) lại khiến nhiều người... lạnh gáy. Thôn Chằm với hàng ngàn ngôi mộ và nhiều hộ dân làm nghề chế biến da và xương trâu, bò, ngựa. Gần đây, một số hộ chuyển nghề trồng rau cung cấp cho thị trường nội thành Hà Nội. Dọc thôn Chằm là những ao, rãnh, nước đen kịt và bốc mùi hôi thối. Ngay cả nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm trầm trọng do bị ngấm từ nghĩa địa nhưng dân vẫn thản nhiên sử dụng để ăn uống.
Nhiều hộ dân trồng rau kinh doanh đã sử dụng những vũng nước tù tại nghĩa địa đã bị ô nhiễm nặng (không loại trừ những bộ quan tài khi cải táng cũng được ngâm tại đây) để rửa rau, tưới rau cho tươi. Kết quả xét nghiệm nước ở khu vực này cho thấy : Nồng độ chất Axen vượt quá quy định rất nhiều lần: các chỉ số nhiễm bẩn của nước ngầm từ chất hữu cơ mai táng thẩm thấu qua đất rất lớn; nước có mùi và vị lạ hơn nguồn nước ngầm ở những nơi khác... Ấy vậy mà những gánh rau ở đây vẫn kìn kìn chạy ra phố lớn.
Một người bán rau tại chợ Thanh Xuân cho biết: "Những câu chuyện bác nói em biết thế nhưng xét cho cùng đã thấy ai chết vì ăn mấy thứ đó đâu. Khuất mắt trông coi, đun sôi lên là vi trùng, vi khuẩn gì gì cũng "tỏi" hết. Cứ hạt nêm, mì chính nhiều vào là ngon tuốt":
Và vô trách nhiệm
Những vụ việc kinh hoàng trên vẫn diễn ra hàng ngày và cũng hầu hết là giữa ban ngày nhưng chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng những nơi xảy ra vi phạm vẫn chẳng nhìn thấy. Bằng chứng là rất ít (nếu như không nói là chưa thấy) những vụ việc kiểu như trên bị ngăn chặn, xử lý. Thế nên những hành vi kinh doanh kiểu "sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi" vẫn có đất để tồn tại và phát triển.
Nếu những kẻ ướp phocmon vào bánh phở, rửa sách bò bằng nước rãnh tù bị cho là vô cảm, vô nhân tính thì chắc chắn những cán bộ chính quyền cơ sở, thú y, Y tế để xảy ra vi phạm trên địa bàn phụ trách... sẽ là những người vô trách nhiệm. Đáng tiếc, những hành vi này chưa bị xử lý. Dư luận cho rằng, những người bán hàng vô cảm vì thiếu ý thức, tham tiền (không ít người ít học) những cán bộ quản lý được ăn lương, tập huấn hẳn hoi nhưng vẫn vô trách nhiệm, thờ ơ cũng đáng bị lên án. Chắc chắn, nếu chỉ xử lý những người vi phạm thôi thì còn lâu các vi phạm về VSATTP mới bị "dẹp". Để tình trạng này giảm hẳn, cần xử lý nghiêm những cán bộ theo dõi địa bàn bằng các hình thức cảnh cáo, thuyên chuyển hoặc đình chỉ công tác. Có như vậy mới "chữa" được bệnh không nghe, không thấy, không biết của một số cán bộ quản lý về VSATTP.
Cần phải xỷ lý hình sự
Hậu qủa của những hành vi trên là rất nghiêm trọng vì nó tác động trực tiếp đến nhiều người. Điều này đã được kiểm chứng qua những đợt dịch tiêu chảy cấp vừa qua. Chỉ cần một người bán hàng nước trà đã thiếu ý thức (sử dụng đá cây nhiễm khuẩn) là phẩy khuẩn tả đã phát tán khiến hàng chục khách hàng phải nhập viện. Không ai có thể khẳng định chắc chắn rằng, những mớ rau nhiễm nước tù nghĩa địa... sẽ làm bao nhiêu người lâm bệnh. Chỉ có một điều rất nhiều người biết: Bệnh nhân ung thư đến bệnh viện rất đông, các căn bệnh khác có nguy cơ từ ăn uống mất vệ sinh, nhiễm độc cũng đang diễn biến phức tạp. Hiện, hầu hết những hành vi vi phạm mới chỉ bị nhắc nhở, tịch thu để tiêu hủy và xử phạt hành chính nên không đủ sức răn đe.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ý kiến: "Xử lý vi phạm VSATTP hiện nay chủ yếu vẫn là xử phạt hành chính, cảnh cáo phát triển ở mức rất thấp, chưa thấy có vụ nào bị xử lý hình sự". Ông cũng băn khoăn: "Việc vi phạm VSATTP có phải chưa đến mức nguy hiểm để xử lý hình sự hay không?". Có lẽ, các cơ quan chức năng vẫn còn xem nhẹ những hành vi vi phạm VSATTP nên chẳng có ai bị xử lý hình sự. Xin đừng chờ đến đại dịch mới "ra tay", nước đến chân rồi thì... nhẩy làm sao kịp!
|