Một bộ phận không nhỏ giới trẻ Việt Nam đang sa ngã ... | Chúng ta quá thiếu trách nhiệm với tương lai của đất nước ? Ngày 5/5, Nguyễn Thế Dũng, học sinh lớp 12 trường THPT Đào Duy Từ (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), dùng kiếm chém Phạm Văn Chinh trọng thương đến hôn mê vì không cho nhìn bài khi thi. |
Khi giới trẻ làm điều ác ? Ngày 6/5, Nghiêm Viết Thành, học sinh lớp 12 trường THPT Thành Đồng (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), chém chết bố đẻ vì bị bố mắng khi đi chơi game. Ngày 8/5, Dương Văn Đỉnh, học sinh lớp 11 trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm (quận 9, TP Hồ Chí Minh), đâm chết bạn học Hoàng Thanh Quang vì mâu thuẫn nhỏ. Tại sao chúng còn rất trẻ mà đã xuống tay nhẫn tâm đến thế với những người thân yêu gần gũi nhất? Tại sao tâm hồn chúng còn ngây thơ đã kịp chất chứa từ bao giờ, ở góc sâu xa nào nỗi uất hận để có thể bộc phát khinh hoàng? Xin thử xem xét vụ Nghiêm Viết Thành giết bố. Theo báo chí, Thành sống với bố vì mẹ ở nước ngoài, chị đi học xa. Thành nghiện game, cần nhiều tiền nhưng xin bố ít cho, còn thường bị chửi mắng. Trong lúc đó, bố Thành hay đưa phụ nữ lạ về nhà, bất chấp phản ứng của Thành. Ngày bùng phát hành vi quẫn trí, Thành lại thấy bố đưa phụ nữ về nhà, Thành bỏ đi chơi game và lại bị bố chửi mắng. Khi bố đang mải xem ti vi, Thành đã lấy dao ra tay. Trong game có bạo lực, không tốt cho tâm hồn non trẻ. Không khí gia đình thiếu sự sum vầy ấm áp cũng không tốt cho sự phát triển nhân cách trẻ. Đó lại là một số nét đặc trưng của cuộc sống hiện nay. Trách nhiệm của xã hội đến đâu ? Đã là cuộc sống thì không thể loại bỏ, như thiên nhiên có nhiều vi trùng nhưng không thể loại bỏ thiên nhiên, dù với mục đích cao cả là bảo vệ con người. Con người chỉ có thể tự bảo vệ bằng cách tăng cường sức đề kháng. Điều gì có thể giúp học sinh đề kháng với cái ác, chống lại cái ác, không cho cái ác xâm nhập? Các phong trào thi đua có tác dụng tích cực không bàn cãi, tuy nhiên nỗ lực phấn đấu đạt thành tích cao lắm khi cũng là áp lực nặng nề. Tâm lý không chịu “thua bạn một ly” có thể dẫn tới những cuộc tranh đua không ngừng nghỉ, gây mệt mỏi, căng thẳng. Đó cũng là những ngả đường dễ chệch hướng sang tranh giành được thua, mất còn, đưa đến những kết quả chưa chắc đã lương thiện. Giúp học sinh đề kháng với cái ác, chắc hẳn phải giúp học sinh biết cư xử, hành động một cách khoan dung. Dạy dỗ & khoan dung... Để học sinh biết khoan dung, cần nhiều công sức dạy dỗ, song trước hết có lẽ nhờ người lớn làm gương. Người lớn sống với nhau ôn hòa, là bài học tốt nhất dạy con trẻ sống ôn hòa. Ngay việc bày tỏ chính kiến cũng với thái độ sẵn sàng lắng nghe chính kiến của người khác, dù có trái tai, không hùng hổ áp đặt. Người lớn, để làm gương cho con trẻ, luôn luôn không được cố tình xúc phạm người khác, còn phải biết lắng nghe con trẻ, không “cả vú lấp miệng em”. Một ước mơ đẹp luôn luôn biết trân trọng những ước mơ đẹp khác ở bên cạnh, không bao giờ có ý muốn đè bẹp, khuất phục hay chiến thắng. Và với những học sinh dù lỡ có hành vi tội lỗi, muôn lần đáng trừng trị, vẫn cần khoan dung. Hà khắc không hợp với giáo dục, càng không hợp với học sinh lầm lỡ, với trẻ em. Một xã hội tiến bộ là xã hội biết cách nâng đỡ trẻ em đứng dậy, là xã hội mà ở đó người lớn dám đứng dậy, tự giải thoát mình khỏi gông cùm của những định kiến, áp đặt lên con trẻ. Đôi khi nhấn mạnh đến đức trị – thay vì chỉ thuần túy pháp trị, đôi khi lấy lòng bác ái làm vũ khí chính - thay vì chỉ chú trọng trừng phạt, cũng có thể khiến xã hội tràn đầy tinh thần khoan dung hơn nữa. Xã hội cũng từ đó mà yên bình hơn nữa. |