Bạn bè hỏi bài thì thờ ơ, có khi còn chỉ sai, chỉ chung chung cho người hỏi, nhiều khi còn khó chịu ra mặt…
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Chân dung những teen bo bo giữ miếng
Bạn hỏi bài thì thờ ơ, chỉ lấy lệ, nhiều khi còn chỉ sai, chỉ chung chung, nhiều khi còn tỏ thái độ khó chịu ra mặt…. Đó là những nét đặc trưng của những teen mắc bệnh bơ ích kỉ trong lớp. Họ hơn bạn bè ở kiến thức, kĩ năng một hay nhiều môn học nhất định, nhưng kém hoàn toàn ở tinh thần sẻ chia cùng tiến. Đối với những teen này, kiến thức là tài sản vô giá, mà tài sản của mình… thật chẳng muốn cho đi chút nào.
“Hoà ngồi cạnh tớ. Bạn ấy chịu khó, lại khá thông minh nên nắm bài nhanh lắm. Cứ nhìn cách Hoà làm bài tập vèo vèo, rồi thảnh thơi ngồi nhìn vu vơ ra ngoài, bài kiểm tra trung bình cũng 8- 9 là biết. Thế nhưng, nếu có hỏi bài, thì Hoà lúc nào cũng nhăn trán, tỏ vẻ mình cũng… không hiểu. Một lần rồi vài lần, riết mình cũng đoán ra, bạn ấy không hề muốn giúp!”- Thanh Lan kể về người bạn ngồi kế mình. Vẻ khó chịu và… khó hiểu hiện rõ trên mặt Lan. Nhiều lúc, khúc mắc bài tập, có con toán khó, muốn hỏi bài, Lan lại phải chạy tuốt xuống cuối lớp nhờ một người bạn khác…
Còn Nga, nổi tiếng giỏi văn trong lớp, nhưng bạn bè hiếm ai thấy Nga chỉ bài cho bất cứ ai. Không phải vì mọi người không hỏi, mà mỗi lần hỏi bài Nga, cái họ nhận được thường là những lời ậm ừ khó hiểu. Buồn hơn là Nga có những cuốn sách tham khảo hay nhưng nếu bạn bè có hỏi hay mượn, Nga chỉ lắc nhẹ đầu… Đối với Nga, đó là “bí kíp”.
“Bình thường không giúp người ta còn biết mà “tránh”. Đằng này cứ nhằm giờ kiểm tra “nó” lại giở trứng! Mấy lần có tiết kiểm tra, mình nhăm nhe mãi mới hỏi ké được câu. Thế mà nó ậm ừ không trả lời. Có lần nhắc cho thì ác thay lại… nhắc sai. Mình biết, giận tím ruột nhưng cũng chỉ biết vậy, chứ làm sao được!”- Hải lớp 9 trường HBT bức xúc nói về người bạn ngồi trên mình. Một người bạn có thể vui vẻ trò chuyện, chơi với Hải bất cứ lúc nào trừ những giờ làm bài hoặc… kiểm tra. “Những lúc ấy, gọi thế nào hắn cũng ngó lơ, ác lắm”- Hải bức xúc “chua” thêm.
Giấu tên tác giả một cuốn sách hay, lười gửi một link học ôn hiệu quả trên mạng, thờ ơ khi bạn bè hỏi bài, chối đây đẩy khi phụ ai đó làm bài tập… Chân dung những teen quen bo bo giữ miếng khiến mọi người không khỏi ngán ngẩm…
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Khó gì một chữ “share”
Khi được “hỏi thật”, một teen chuyên bơ giải thích cũng rất thật: “Nhiều lúc cần tập trung mà mọi người hỏi thật sự mình thấy rất phiền. Trả lời một câu có khi lại rầy rà thêm 2, 3 câu, mất thời gian mà có khi… họ chưa hiểu, biết làm sao? Còn giờ kiểm tra, mình học bằng thật, đem nhắc họ, chẳng khác… công dã tràng? Thà mang tiếng chút cho yên thân. Mình vẫn giúp đỡ mọi người tận tình, ai bảo mình sống ích kỉ?”
Một bạn khác thì cho rằng, tài liệu, "bí kíp” học của mỗi người, chẳng tội gì chia sẻ. Như vậy làm sao mình có thể đứng đầu bảng, điểm mình sao cao được nhất nhì lớp? Mà “bị” hỏi, có ai thích đâu??? Nhiều lúc công nhận mình cũng có “chơi xấu”, nhắc sai ai đó một hai câu trong bài kiểm tra… Nhưng ai bảo học không học, đi hỏi bài người khác? Nghĩ cũng áy náy, nhưng quy luật sinh tồn mà…”- bạn teen này học lớp 10, chưa bao giờ cho rằng mình đã sai khi cư xử với bạn bè như vậy.
Những lý giải trên không phải là không thể hiểu, nhưng nó thực sự… ích kỉ.
Vẫn biết kiến thức mình bỏ công ra dùi mài là của mình, là quý, nhưng liệu kiến thức ấy còn nguyên giá trị nếu teen chỉ chăm chắm cất giấu cho riêng mình?
Chẳng cần để ý tới nét buồn trong mắt người bạn cùng bàn khi bạn ấy không làm được bài, luống cuống với con toán khó. Chẳng cần áy náy khi người bạn cầm trên tay bài kiểm tra điểm thấp. Nhiều teen tự thiết lập nên bức tường ngăn cách giữa mình và bạn bè mà không hay biết.
Bạn bè muốn thực sự thân thiết cần sự chia sẻ, mà trước nhất là chia sẻ kiến thức, kĩ năng học bài. Ngay cả những điều giản dị như vậy cũng không làm được, làm sao teen có thể chiến thắng sự ích kỉ, là một người bạn tốt?
Có khó gì một chữ “share”, khi cái đem cho đi, đem chia sẻ là kiến thức học hành, để bạn bè cùng tiến. Có khó gì một chút quan tâm,để giúp bạn hiểu bài, cùng vượt qua những kì thi, cùng vượt qua thử thách học hành? Vậy mà nhiều teen vẫn nói “không”, vẫn chối từ cơ hội được bạn bè tin cậy, cảm phục.
Với những teen hay “bơ” bạn bè kiểu này, không sớm thì muộn mọi người cũng nắm được quy luật, chừa ra không hỏi han như trước. Và dù bạn có giỏi đến mấy thì mọi người cũng sẽ… ngó lơ.
“Vài lần hỏi bài mà bạn ấy không nhiệt tình, tớ rút kinh nghiệm, chẳng thèm hỏi nữa. Mang tiếng giỏi làm gì trong khi bạn bè hỏi cái gì cũng lắc, cũng chối đây đẩy. Sợ phiền như vậy thì tớ cũng chẳng cần kết bạn!”- Hằng, một teengirl THPT Hồ Tùng Mậu thẳng thắn nói.
Khó gì đâu một chữ share, hãy mở lòng để không người bạn nào thất vọng khi nhắc tới mình, bạn nhé!