Giữ vững tâm lý trước kỳ thi | |
Vào những ngày cận kề kì thi cao đẳng, đại học, tâm lý của các sĩ tử rối như tơ vò. Việc ôn thi căng thẳng, sức ép đỗ - trượt...đã làm nhiều bạn lúng túng và mất phương hướng. Do đó, việc ổn định được tâm lý cho bản thân trước kỳ thi là thứ vũ khí quan trọng giúp bạn yên tâm ôn luyện và đạt điểm cao. Đừng tạo sức ép cho bản thân Sức ép mà kỳ thi Cao đẳng, Đại học đã tạo ra cho bản thân mỗi bạn là rất lớn, chính sức ép thi “đỗ” - “trượt” trước giờ G đã làm cho nhiều bạn lúc nào đầu óc cũng căng thẳng, nhiều trường hợp dẫn đến stress... Với tư tưởng như vậy thì bạn rất khó để toàn tâm, toàn ý vào việc ôn luyện bài vở tốt được. Do đó, các bạn cần phải xác định mục tiêu cho bản thân là “học hết mình, thi hết sức” chứ đừng mang tư tưởng thi là phải đỗ, đừng bao giờ nghĩ đến sức ép của gia đình và tạo ra sức ép cho bản thân. Có như vậy, bạn mới tạo ra cho bản thân một tâm lý thoả mái trước khi kỳ thi chính thức. Không quan tâm đến thông tin “nhiễu” Vào giai đoạn nước rút trước khi bước ra "sân khấu lớn", thường xuất hiện nhiều thông tin “nhiễu” liên quan đến kỳ thi, trường thi, tỷ lệ chọi, điểm đầu vào...Những thông tin như vậy dễ làm nhiều bạn trẻ trở nên dao động, mất tập trung trong quá trình ôn luyện. Các bạn hãy xem những thông tin đó như một kênh thông tin để tham khảo chứ đừng bận tâm, lo lắng mà hãy tập trung ôn luyện thi tốt. Loại bỏ những lo lắng không cần thiết Bên cạnh sức ép về “đỗ” - “trượt” trước kỳ thi, các sĩ tử còn có nhiều nỗi lo lắng khác như chưa nhận được giấy báo dự thi; đánh nhầm, ghi nhầm một số chi tiết, nội dung trong hồ sơ dự thi, sai sót trên giấy báo dự thi...Nhưng các bạn hãy yên tâm, đừng mất thời gian cho những chuyện như vậy, bởi những sự cố này bạn có thể khắc phục, giải quyết một cách đơn giản vào ngày làm thủ tục dự thi (trước ngày thi chính thức một ngày). Hãy gác bỏ những thắc mắc, bận tâm về những sự cố nho nhỏ này để đầu tư ôn luyện bài vở thật chu đáo. Không nên “học dồn” Tâm lý bạn nào cũng muốn nhồi nhét, cố nhớ thật nhiều kiến thức trước khi bước vào kỳ thi nhưng thật ra học như vậy không đem lại hiệu quả như mong muốn, ngược lại làm cho đầu óc bạn trở nên căng thẳng và hiệu quả ôn tập cũng không có chất lượng. Để tránh tình trạng này, các bạn hãy biết loại bỏ những phần kiến thức không cần thiết, không nên ôn tập hỗn độn một lúc ba môn thi mà cần phải bố trí lịch ôn tập một cách hợp lý, không bị phân tâm khi đang ôn tập môn này sang môn khác. Và điều quan trọng là các bạn cần phải ôn tập những phần mình chưa chắc, kiến thức còn bị khuyết để kịp thời bổ sung vốn kiến thức cho bản thân trước kỳ thi, chứ đừng để “nước đến chân mới nhảy”. Tránh “an phận, thủ thường” Đây là biểu hiện thường gặp của các bạn trẻ trước kỳ thi Đại học, Cao đẳng. Nhiều bạn chỉ cố gắng vượt qua kỳ thi tú tài, còn chuyện đi thi Đại học, Cao đẳng chẳng qua thi cho bằng bạn bè, cho gia đình vui, xem đây là dịp để các bạn đi tham quan, du lịch...chứ thật sự chưa tạo ra sự chủ động cho bản thân. Một số khác mang tâm lý an phận thủ thường kiểu “Thi năm đầu cho biết chứ làm sao đỗ được” hoặc mang tư tưởng “học tài thi phận”. Đây là biểu hiện "chấp nhận thua" trước khi vào cuộc. Hãy tin tưởng vào khả năng của bản thân và cố gắng hết sức mình chứ đừng thụ động, bi quan bạn nhé. |