12 “tuyệt chiêu” vào bếp | |
Ngày Tết, bạn có tỉ thứ phải “đụng chạm” đến nhà bếp: phụ mẹ nấu nướng, dọn tiệc đãi khách, giúp ba pha trà... Chưa kể, khi đến nhà ai kia, bạn có thể trổ tài khéo léo. Những tuyệt chiêu sau đây sẽ giúp bạn thoát khỏi những tình huống... đứng hình đứng tim đấy. 1. Cốc thủy tinh bị dính khi xếp chồng lên nhau: Nếu lấy mạnh tay có thể làm bể cốc và đứt tay, hãy ngâm chiếc ngoài cùng vào nước ấm, chiếc cốc đó có thể được lấy ra dễ dàng. Rửa li cho bóng sáng: Các chiếc li hay những đồ vật bằng thủy tinh dùng lâu ngày thường hay bám bẩn làm cho bị ố vàng. Muốn cho chúng bóng, sáng lại, hãy rửa bằng nước nóng và xà phòng rồi xả lại bằng nước có pha giấm. 2. Rửa sạch bình thủy tinh: Đặc biệt là những bình thủy tinh có miệng bé rất khó rửa. Hãy cho vào bình một nắm gạo, đổ một ít nước sôi vào, đậy nắp kín lại rồi lắc mạnh. Sau vài lần, bình thủy tinh sẽ sạch bóng. 3. Vắt chanh được nhiều nước: Hãy ngâm chanh trong nước nóng vài phút trước khi vắt. 4. Cách khử cay ở tay: Lấy một ít đường cát xoa vào tay, rồi rửa sạch; xoa vào tay một ít giấm hay rượu; hoặc ngâm tay vào nước ấm một lát rồi rửa sạch. 5. Khử chất đắng của khổ qua: Chỉ cần bỏ vài quả ớt còn nguyên (không được dầm nát) vào nấu chung với khổ qua. Khi nấu chín nên vớt ớt ra ngay để không bị cay. 6. Làm giòn bánh quy bị mềm: Hãy lấy máy sấy tóc sấy cho bánh khô vài phút. Bánh nguội, bạn sẽ có những chiếc bánh giòn lại như cũ. 7. Luộc gà sao cho đẹp: Luộc gà lúc nước nguội, cho thêm củ hành nướng và miếng gừng vào, sau đó để lửa nhỏ, sôi lăn tăn. Muốn da gà không bị nứt và thâm, khi luộc xong hãy vớt ra và ngâm vào thau nước lạnh đến khi nguội. Muốn da gà vàng bóng, hãy thoa lên chút mỡ gà. Nếu muốn chặt miếng, nên để gà luộc thật nguội và ráo nước, miếng gà chặt sẽ đẹp hơn. 8. Cách chữa nước dùng bị đục: Đánh lòng trắng trứng cho tan rồi cho vào nồi nước dùng đó (lúc nguội). Đặt lên bếp, vừa đun vừa khuấy đều cho các vẩn đục bám vào trứng, sau đó vớt ra. Như vậy nước dùng sẽ trong. 9. Khử mùi tanh: Khi nấu món có mùi tanh, mùi hôi như cá đuối, cá ngát, thịt vịt, thịt thỏ... nên ướp vào thịt một li rượu nhỏ. Rượu làm tan các amin gây mùi tanh. Khi đun nấu, rượu bốc hơi cũng kéo theo một số mùi hôi. 10. Làm cho món ăn hết mặn: Nếu dùng đường mà chữa vẫn không ổn thì nên lấy 1 củ khoai tây gọt sạch vỏ, cắt thành khoanh tròn chừng 1 - 2 khoanh rồi cho vào nồi đang nấu sôi. Nấu chừng 5 phút thì nhắc nồi xuống và vớt bỏ khoai tây. 11. Pha trà ngon: Muốn pha một ấm trà thơm cho thật ngon, trước hết phải nấu nước thật sôi, tráng nước sôi cho bình được nóng đều. Cho trà vào bình, chế nước sôi vào và đổ bỏ ngay nước này đi. Sau đó rót nước sôi vào từ từ cho đến khi đầy. 12. Giảm độ béo nước dùng: Khi nấu ăn, nếu nước dùng quá béo, ta có thể bỏ thêm vài miếng vỏ chanh vào nồi nước dùng, đun sôi một lúc rồi vớt ra. Nước dùng sẽ thơm và bớt ngậy hơn. |