Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Đăng Nhập

Quên mật khẩu



Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search


You are not connected. Please login or register

Báo Anh lý giải sức mạnh cốt lõi của Barca

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Mrskeleton

Mrskeleton
Rồng Đỏ
Rồng Đỏ

Báo Anh lý giải sức mạnh cốt lõi của Barca

Tờ Sport Mail cho rằng yếu tố hun đúc nên một Barca thành công như hiện nay không phải phong độ chói sáng của Messi, Henry, Eto'o cũng chẳng phải tài thao lược của HLV trẻ Guardiola.

Nhật báo thể thao Anh đánh giá bản sắc và sự hiện diện của những tài năng do CLB tự đào tạo mới là sức mạnh cốt lõi, làm nên một Barca - đội bóng chơi tấn công đẹp mắt, quyến rũ, hiệu quả nhất thế giới vào thời điểm hiện tại và đang trên đường hoàn tất cú ăn ba danh hiệu lớn mùa này.
Báo Anh lý giải sức mạnh cốt lõi của Barca 1
Sức mạnh nội lực và yếu tố bản sắc đã hun đúc nên một tập thể mạnh mẽ, đoàn kết, giúp thầy trò Guardiola hướng đến cú ăn ba danh hiệu lớn hiện nay. Ảnh: Reuters.

Đây thật ra là mô hình không mới, trên bình diện châu Âu. Năm 1697, khi Celtic trở thành CLB Anh đầu tiên đoạt Cup C1, đội bóng của HLV huyền thoại Jock Stein không có bất kỳ ngoại binh nào trong đội hình. 10 trên 11 cầu thủ đá chính của Celtic ngày ấy đều được sinh ra và lớn lên ở Glasgow hoặc vùng ngoại ô thành phố này, tương tự chính ông thầy của họ. Bobby Lennox, quê ở Saltcoats - một thị trấn cách Glasgow gần 50 km, khi ấy đã bị xem như một kẻ ngoại đạo.

Khi bước lên ngai vàng của bóng đá châu Âu cấp CLB năm 1968, bằng đội hình được HLV Matt Busby xây dưng sau thảm họa hàng không khiến 10 tài năng trẻ xuất chúng bỏ mạng ở Munich trước đó 10 năm, MU cũng có đến 8 cầu thủ trưởng thành từ đội trẻ. Trong đó có những cái tên nổi tiếng về sau như Bobby Charlton, George Best, Nobby Siles...

Trong mắt HLV Ferguson, từng cùng MU đăng quang ở Champions League năm 1999 với 4 cầu thủ do chính CLB này đào tạo, có lần lập luận rằng cái thời mà các đội bóng đứng vững và thành công ở cấp cao nhất chỉ dựa trên sức mạnh nội lực đã qua từ lâu. "Không thể có chuyện một đội bóng với những cầu thủ địa phương đi đến ngôi cao nhất. Để thành công vào thời buổi bây giờ, bạn phải biết suy nghĩ và hành động theo hướng toàn cầu hóa", HLV người Scotland nhìn nhận. Nhưng hẳn ông phải suy nghĩ lại về quan điểm ấy, nếu nhìn vào đối thủ của chính MU trong trận chung kết Champions League tại Rome ngày mai.

Tất nhiên, như Ferguson lập luận, mỗi thời mỗi khác. Trong một thế giới phẳng, bóng đá ở thế kỷ 21 chịu tác động rõ rệt từ xu hướng toàn cầu hóa. Nhưng sẽ không ngoa nếu xem Barca hiện nay là một phiên bản của Celtic trước kia, về mặt bản sắc. Nếu CLB xứ Catalan vượt qua MU để trở thành nhà vô địch Champions League mùa này, trong đội hình bước lên bục nhận Cup sẽ có ít nhất 7 cầu thủ thường xuyên đá chính xuất thân từ lò đào tạo trẻ lừng danh của họ, La Masia. Và 5 trong số đó là những người Catalan chính gốc.

Trên sân Olimpico tối 27/5, Carles Puyol sẽ đeo trên tay chiếc băng thủ quân có 2 màu vàng và đỏ, màu cờ của xứ Catalan, và dẫn dắt Victor Valdes, Gerard Pique, Sergio Busquets và Xavi. Cả 5 người đều sinh ở Barcelona hoặc ngoại ô thành phố này. Iniesta, đến từ Albacete của xứ Castilla-La Mancha, và Messi, một người Argentina chính gốc, thì từ lâu cũng được xem như những công dân Catalan, bởi họ đều gia nhập học viện La Masia và Barca từ thuở 13 tuổi. Giá trị của nhóm 7 cầu thủ mà Barca tự đào tạo này, nếu đặt lên thị trường chuyển nhượng, sẽ không ít hơn 150 triệu bảng.

"Chúng tôi tự hào về họ", HLV Guardiola, một người Catalan chính gốc khác và cũng trưởng thành từ chính chiếc nôi La Masia, chia sẻ. "Đã thành một truyền thống, Barca luôn tin tưởng ở học viện đào tạo trẻ của CLB. Chúng tôi luôn tạo cơ hội cho những cầu thủ trưởng thành từ học viện bóng đá trẻ được xuất hiện và thử sức ở đội một, như chính tôi cách đây gần hai mươi năm. Tất nhiên, các đội bóng khác cũng có những cầu thủ trẻ tài năng, nhưng vấn đề nằm ở chỗ bạn phải có can đảm trao cho họ cơ hội, như cách Barca đang làm".
Báo Anh lý giải sức mạnh cốt lõi của Barca 3
Chỉ ở Barca, những cầu thủ địa phương, những tài năng trẻ mới được tạo điều kiện tối đa để phát huy tài năng và tiến bộ. Ảnh: Getty Images.

Guardiola không chỉ nói về sự nghiệp cầu thủ mà cả nghiệp cầm quân của anh. Ở tuổi 38, đây mới là năm đầu tiên anh nắm đội một Barca. Hành trang kinh nghiệm mà anh mang theo khi bước vào nghiệp HLV đỉnh cao chỉ là một năm dẫn dắt đội Barca B ở giải hạng tư. Vào thời điểm này cách đây một năm, Guardiola đang cùng học trò trẻ vô danh của anh dự trận play-off tranh suất lên giải hạng ba với một đối thủ gồm toàn cầu thủ nghiệp dư đến từ quần đảo Canary, trước sự chứng kiến của vẻn vẹn 2000 khán giả. Còn bây giờ, Guardiola đã bỏ túi danh hiệu vô địch La Liga, Cup Nhà Vua và sắp cùng Barca bước vào trận cầu được chờ đợi nhất của bóng đá thế giới cấp CLB.

Trong số những học trò trẻ vô danh dưới trướng Guardiola một năm trước, Sergio Busquets đuợc chọn đôn lên đội một và trở thành một phần quan trọng trong hành trình của Barca chinh phục ngôi vô địch La Liga, Cup Nhà vua và tiến đến trận chung kết Champions League mùa này. "Tôi tự hào và may mắn vì được là một phần của đội bóng có truyền thống khuyến khích, sử dụng các tài năng trẻ. Bóng đá cần những CLB đi theo cách làm này", Busquets, 20 tuổi, chia sẻ.

Đây cũng là quan điểm của Iniesta, một sản phẩm của La Masia được đôn lên đội một Barca khi mới 17 tuổi và hiện nằm trong số những tiền vệ trung tâm hay nhất thế giới. "Barca là đội bóng có học viện đào tạo và chính sách trọng dụng tài năng trẻ tốt nhất thế giới. Bằng chứng là chúng tôi có rất nhiều cầu thủ do CLB tự đào tạo trong đội hình chính".

Tất nhiên, không phải lúc nào Barca cũng trung thành với chính sách trên. Năm 1992, khi đoạt Cup C1 bằng cái gọi là "Đội hình trong mơ" của HLV Johan Cruyff, Barca chỉ có trong đội hình chính đúng hai cầu thủ trưởng thành từ "lò" La Masia, Guardiola và Albert Ferrer. Hai cái tên này như lọt thỏm giữa một rừng sao nội có, ngoại có mà CLB mua về từ Bakero, Zubirarretta... đến Koeman, Romario, Stoichkov. "5 năm qua, Barca đã trở lại với bản sắc và truyền thống khi xây dựng bộ khung cho đội bóng bằng chính các cầu thủ trẻ do CLB tự đào tạo. Đó là chính sách đúng đắn", Ferrer vui mừng nhận xét về CLB cũ.

Bản thân Cruyff cũng không tiếc lời ca ngợi việc Barca trở lại với bản sắc của CLB: "Chúng ta đang chứng tỏ cho cả thế giới bóng đá ngày nay thấy rằng một đội bóng vẫn có thể chơi thứ bóng đá tấn công quyến rũ và chiến thắng bằng bộ khung là những cầu thủ tự đào tạo. Tôi không tán thành mô hình thành công của bóng đá Anh hiện nay, bởi nhóm 4 CLB hàng đầu tại đó có rất ít trụ cột là người bản địa, chứ chưa vội nói tới những cầu thủ mà CLB tự đào tạo. Tôi hạnh phúc vì những gì đang diễn ra ở Barca".

Thật ra cách làm bóng đá dựa trên yếu tố bản sắc và truyền thống hiện nay của Barca cũng được một đồng hương Hà Lan của Cruyff là Louis van Gaal ấp ủ từ cách đây hơn chục năm. "Tôi mơ ước chinh phục Champions League với một đội hình gồm nhiều cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo trẻ, Van Gaal đã nói như vậy năm 1997, sau một năm dẫn dắt Barca.
Báo Anh lý giải sức mạnh cốt lõi của Barca 5
Van Gaal (phải) cũng từng ấp ủ ý định xây dựng một Barca dựa trên các cầu thủ địa phương và do CLB tự đào tạo như hiện nay, nhưng bất thành. Ảnh: IFFHS.

Vào thời điểm ấy, bóng đá tràn ngập những đội bóng kiểu "Liên hợp quốc" như một hệ lụy từ luật Bosman - không hạn chế cầu thủ ngoại và cho phép cầu thủ tự do chuyển đến bất kỳ CLB nào trong các nước thành viên EU sau khi hết hợp đồng. Một đội bóng như Van Gaal ấp ủ và từng thành công với Ajax - vô địch Champions League bằng đội hình có đến phân nửa là cầu thủ tự đào tạo - bị xem như điều không tưởng. Nhưng HLV người Hà Lan này vẫn thực hiện ý tưởng của ông bằng một kế hoạch cải tổ La Masia rồi lần lượt đưa 3 viên ngọc thô Puyol, Xavi, Iniesta lên đội một. Tuy nhiên, Van Gaal đã không có đủ can đảm và sự kiên trì cần thiết để đeo đuổi đến cùng chính sách này.

Đến thời của Guardiola thì khác. Sự ủng hộ tuyệt đối từ ban lãnh đạo tạo điều kiện cho HLV trẻ này biến một ý tưởng bị xem như phi thực tế trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay thành hiện thực. Tối mai, khi bước ra sân Olimpico tranh ngôi vô địch Champions League với MU, quá nửa đội hình Barca là những cầu thủ trưởng thành từ La Masia, nơi họ ăn ngủ, tập luyện theo phong cách Barca từ năm 13 tuổi và nuôi dưỡng ước mơ tiếp bước người đàn anh, người thầy Guardiola, bước lên ngai vàng của bóng đá cựu lục địa.

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết