Vừa đóng phim vừa... sợ
26/05/2009 10:33 (GMT +7)
26/05/2009 10:33 (GMT +7)
Từ ngôi sao đến diễn viên quần chúng, đa số đều phải tự lo bảo hiểm cho tính mạng và sức khoẻ của mình mỗi khi ra trường quay. Đơn giản vì họ không được đóng bảo hiểm cho mỗi vai diễn. Đóng phim trong hoàn cảnh nơm nớp lo sợ như vậy khó mà yên tâm cống hiến cho nghệ thuật.
Đóng phim kiểu "thân ai nấy lo"
Vừa đóng phim vừa... sợ là hoàn cảnh "trớ trêu" xảy ra với hầu hết các diễn viên ở ta. Với các ngôi sao thì may ra việc bảo hiểm còn được chủ phim thực hiện nghiêm túc nhưng với các diễn viên "tầm tầm", có được phim mà đóng đã tốt nên cũng không mấy ai "dám" đòi hỏi nhà sản xuất mua bảo hiểm cho mình.
Việc mua bảo hiểm cho các thành viên đoàn làm phim, cụ thể là các diễn viên từ trước đến nay vẫn được thực hiện một cách cảm tính, ai may thì được chủ phim mua bảo hiểm cho, còn không thì "hết vai nhận tiền", có trầy da tróc vẩy thì tự mua thuốc về mà chữa.
Phim có nhiều cảnh nguy hiểm cho diễn viên càng cần mua bảo hiểm |
Trên thực tế, việc tổ chức quay phim tại hiện trường là khâu dễ xảy ra tai nạn đối với thành viên đoàn làm phim. Cách đây 3 năm dư luận cũng đã từng nóng lên về vụ diễn viên Lê Quang kiện hãng phim Chánh Phương, đòi phải đền bù sau khi anh bị thương ở mắt phải khi đang thực hiện một cảnh quay nguy hiểm tại Lạng Sơn cho phim "Dòng máu anh hùng". Vụ việc sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều nếu như việc đóng bảo hiểm cho diễn viên được thực hiện nghiêm túc.
Cuối tháng 12/2008 diễn viên Hồng Sơn cũng đã gặp phải vụ tai nạn nghiêm trọng trên đường từ Lạng Sơn về HN sau khi hoàn thành vai của mình trong phim “Miền đất hứa” khiến anh bị gãy xương đùi và một xương sườn không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, kế hoạch đóng phim mà còn ảnh hưởng đến kinh tế khi tiền điều trị không ít, thời gian điều trị kéo dài trong khi Hồng Sơn vốn chỉ sống bằng cát-sê đóng phim là chính. Nếu như được đóng bảo hiểm thì chắc chắn gánh nặng cho diễn viên này sẽ giảm rất nhiều.
Có thể nói ở Việt Nam, diễn viên là một nghề nguy hiểm bởi khi không có bất cứ một sự bảo đảm bảo nào, thoả thuận xong về vai diễn và cát-sê là chấm hết. Khi được hỏi đến vấn đề bảo hiểm, một số diễn viên còn không biết vai diễn của mình đã được bảo hiểm hay chưa và "chờ hỏi lại nhà sản xuất".
Kathy Uyên, diễn viên người Mỹ gốc Việt tỏ ra ngạc nhiên khi không thấy các diễn viên ở Việt Nam đóng phim mà không được mua bảo. Trong phim Chuyện tình xa xứ Kathy Uyên phải thực hiện nhiều pha võ thuật nhưng cũng như nhiều diễn viên khác. Kathy Uyên đã tham gia một bộ phim trong thời gian sống tại Mỹ và tất cả các vai diễn của cô, dù lớn hay nhỏ đều được bảo hiểm.
Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất giải Cánh diều vàng 2009 cho biết toàn bộ việc bảo hiểm cũng như mọi quyền lợi khác của cô đều do Hiệp hội diễn viên Mỹ (SAG) bảo vệ. Cũng như Kathy Uyên, 13000 diễn viên hoạt động trên khắp nước Mỹ gia nhập SAG đều hoàn toàn yên tâm mỗi khi tham gia một bộ phim bởi mọi việc đều có nghiệp đoàn diễn viên này lo liệu.
Còn ở Việt Nam, Hiệp hội diễn viên thì chưa có, Luật Điện ảnh hiện hành cũng chưa có quy định về bảo hiểm cho phim và thành viên đoàn làm phim nên các diễn viên "mạnh ai nấy lo".
Kathy Uyên phải thực hiện khá nhiều pha võ thuật trong "Chuyện tình xa xứ" |
Đến bò còn được mua bảo hiểm, huống hồ là diễn viên
Có đạo diễn lại lập luận: "Nếu phim của tôi không có những pha hành động nguy hiểm thì tôi cần gì phải mua bảo hiểm cho diễn viên?" Thậm chí có ý kiến còn cho rằng việc đưa quy định bắt buộc bảo hiểm cho diễn viên không cần thiết phải đưa vào Luật. Thế nhưng sự cố xảy ra trên trường quay là điều không đoán trước được, ngay cả với những cảnh quay bình thường cũng có thể dẫn đến tai nạn như chơi.
"Tôi nghĩ trong những cảnh nguy hiểm thì diễn viên và nhà sản xuất tự thoả thuận với nhau. Cũng có thể nhà sản xuất mua bảo hiểm cho cả bộ phim để đề phòng những trường hợp bất khả kháng như thiên tai, địch họa ảnh hưởng đến bản phim sẽ được đền bù chi phí đã bỏ ra.
Tuy nhiên, tôi nghĩ không nên đưa vấn đề bảo hiểm cho phim và đoàn làm phim vào luật để làm gì cả. Vì tiền làm phim hiện nay chi trả cho diễn viên còn chưa đủ, còn bao thứ khác phải lo, thì không biết lấy đâu ra tiền để mua bảo hiểm. Trong trường hợp này quy định việc đóng bảo hiểm chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho người làm phim", đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói.
Có một thực tế không thể phủ nhận là kinh phí dành cho việc sản xuất mỗi phim tại Việt Nam không cao, thậm chí tiền dành cho việc P.R vốn được coi là phần quyết định đến sự "sống chết" của mỗi bộ phim ngoài rạp cũng không có hoặc rất hạn chế. Lại không có quy định bắt buộc nào về việc chủ phim phải đóng bảo hiểm cho diễn viên nên vấn đề này cũng thường bị phớt lờ đến mức chẳng ai còn nghĩ đến nó.
Chỉ một vài hãng phim tư nhân "chịu chơi" mới nghĩ đến chuyện đóng bảo hiểm cho bộ phim từ A đến Z Đây là việc làm hơi tốn kém và phức tạp nhưng lại đặc biệt phát huy tác dụng mỗi khi xảy ra sự cố hay tranh chấp.
Nhà sản xuất Phước Sang cho biết hầu hết các phim do hãng Phước Sang sản xuất đều được mua bảo hiểm. Mức bảo hiểm cao nhất mà hãng này mua cho các diễn viên ngôi sao là 1 tỉ đồng. Từ máy móc thiết bị đến diễn viên... tất tật đều được mua bảo hiểm, tuy "tốn chút đỉnh nhưng yên tâm. Tôi nghĩ bảo hiểm cho phim là vô cùng cần với những người làm phim. Vì làm phim là công việc đầy rủi ro, bất trắc mà không ai lường trước được.
Trừ các ngôi sao được bảo hiểm tử tế, đa số các diễn viên ở Việt Nam đều phải tự bảo vệ cho mình trên trường quay (cảnh trong phim "Dòng máu anh hùng") |
Nếu việc bảo hiểm cho đoàn làm phim được đưa vào Luật Điện ảnh như một yêu cầu bắt buộc thì càng hay. Tôi nghĩ những ngành lao động bình thường khác họ đã mua bảo hiểm rồi, điện ảnh là lĩnh vực sản xuất hàng hoá đặc biệt nên càng phải mua bảo hiểm".
Tháng 11/2008, lần đầu tiên một hợp tác xã dịch vụ sản xuất ở Quảng Nam đã đứng ra tổ chức mua bảo hiểm cho đàn bò gần 3.000 con trên địa bàn xã khiến người chăn nuôi hết sức yên tâm đầu tư sản xuất vì từ nay đàn bò đã có người lo giúp khâu phòng, chữa bệnh.
Đến bò còn được mua bảo hiểm huống hồ diễn viên. Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng vừa kiến nghị Quốc hội khoá này nghiên cứu để bổ sung vào Luật những quy định cần thiết liên quan đến việc bảo hiểm cho phim và thành viên đoàn làm phim.