Barcelona: Khi "mất điện" thì thành... "tiểu nhân"?
07/05/2009 7h56 (GMT+7)
07/05/2009 7h56 (GMT+7)
(
Không như dự đoán, chẳng có một Barcelona tưng bừng như trong trận El Clasico với Real Madrid 4 ngày trước, mà là một lối chơi hoàn toàn bế tắc. Mặc dù vậy, hiệu quả thì giống nhau: họ thu được kết quả có lợi để bước vào trận chung kết.
Các vị trí cùng "tắt điện"
Bản thân dòng tiêu đề trên trang chủ của ESPN Soccernet sáng sớm nay (Barca break Chelsea hearts, nghĩa là: Barca làm tan nát trái tim Chelsea) đã thể hiện tất cả: Chelsea xứng đáng với chiến thắng nhưng lại không được tận hưởng nó khi đã gần bước qua cổng thiên đường. Ở thái cực ngược lại, Barca trong một trận hiếm hoi chơi "xấu xí" lại hiện thực hoá giấc mơ với trận hòa có bàn thắng trên sân khách.
Nếu cần tìm một người không "xấu xí" trong chiến thắng của Barca thì đó chính là Iniesta (ảnh nhỏ). (Ảnh: Reuters). |
Nhưng Barca xấu xí như thế nào? Trong một trận đấu kịch tính kéo dài 97 phút, họ đã sút bóng 14 lần nhưng chỉ 1 lần đi vào khung thành và đó chính là tình huống dẫn đến bàn thắng duy nhất của Iniesta! 13 lần còn lại, có quá nửa là những tình huống Dani Alves tạt bóng... lên trời. Cầu thủ người Brazil vẫn lên công về thủ đều đặn nhưng chỉ toàn khiến người ta phì cười hoặc lắc đầu ngán ngẩm. Anh ta có phải là hậu vệ cánh hay nhất thế giới như những người yêu xứ Catalan đánh giá?
Eto’o vẫn hoàn toàn câm lặng, Messi cũng không thể cất tiếng. Các hậu vệ áo xanh đã chơi phòng ngự khu vực quá tốt, chia cắt hoàn toàn mối liên lạc giữa các mũi nhọn tấn công của đội khách. Ở hàng tiền vệ, Xavi, Busquets và Keita quá mờ nhạt so với những Ballack, Lampard, Essien. Trong khi đó, Pique, Toure và Abidal cũng phòng ngự không tốt và phải nhờ thần may mắn nên họ mới chỉ phải nhận một bàn thua.
Các mũi nhọn tấn công của Barcelona đã chơi rất yếu kém, điều đó giải thích tạo sao họ cầm bóng tới 71% nhưng hoàn toàn vô hại. Trận đấu này cũng chỉ ra những hạn chế lớn về kinh nghiệm và bản lĩnh cầm quân của HLV Pep Guardiola.
Guardiola dường như chỉ có một miếng đánh duy nhất để bê nguyên từ trận này sang trận khác. Nhà cầm quân 38 tuổi đã kế thừa hoàn toàn di sản để lại từ thời Frank Rijkaard và rập khuôn nguyên mẫu công thức của người tiền nhiệm. Sơ đồ 4-3-3 với bộ 3 H.E.M vốn vận hành trơn tru đã lập tức gặp bế tắc khi Henry không thi đấu, vậy mà Guardiola không có lấy một phương án “điều trị”.
Chính sự đơn điệu về chiến thuật đã khiến Guardiola không thể đưa ra những điều chỉnh khi Barca bế tắc. Những quyết định thay đổi của “Pep” hiếm khi gây đột biến. Trận này cũng vậy, mãi tới phút 85, Krkic mới được tung vào sân thay Busquets, trong khi Gudjohnsen và Sylvinho được cho vào trong hiệp phụ chỉ để câu giờ. Barca, hiện thân của cái đẹp cũng có lúc phải viện tới những mẹo... “tiểu nhân” ấy.
Trong một đêm mà các ngôi sao Messi, Eto’o, Xavi, Alves… không thể toả sáng, dẫu sao Barca vẫn còn một Iniesta. Ở London sáng nay, dường như phía Barca chỉ có một mình tiền vệ nhỏ con này chơi bóng. Một bàn thắng để cứu rỗi Azulgrana khi kết cục tưởng đã an bài đã thể hiện đẳng cấp của anh.
Một Barca xấu xí chưa từng thấy, ngoại trừ Iniesta. Có cules nào xấu hổ với chiến thắng này không, hay họ sẽ khảng khái nhắc lại lời Beckenbauer rằng: “Kẻ mạnh không phải là kẻ chiến thắng, kẻ chiến thắng mới là kẻ mạnh”?
Một lần nữa John Terry rơi lệ trước "cửa thiên đường". (Ảnh: Reuters). |
Trọng tài và đoản khúc cho Chelsea
Một năm về trước ở Moscow, Chelsea đã để thua MU trong trận chung kết với cú trượt chân của John Terry. Hình ảnh anh đứng ôm mặt khóc rưng rức dưới cơn mưa tầm tã sân Luzhniki như vẫn còn mới nguyên. Ở London sáng nay, những giọt nước mắt lại lăn trên má người đội trưởng quả cảm. Cả Lampard cũng khóc.
Chelsea thua khi đã chơi hay hơn, thậm chí là hay hơn rất nhiều. Họ đã lui về phòng thủ nhưng không còn tiêu cực như ở lượt đi. Những pha phản công sắc lẹm vẫn liên tục được thực hiện. Chỉ tiếc là thần may mắn đã không đứng về phía họ. Và ngoài "thần thánh", ông vua áo đen Tom Henning Ovrebo phần nào đã gián tiếp đem chiến thắng cho người Catalan.
Trong vòng 90 phút, trọng tài Henning, người cầm còi trận Barca thắng Lyon 5-2 ở vòng 1/8, đã phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác và đa phần là những quyết định có lợi cho đội khách. Ông đã gián tiếp sửa chữa sai lầm cho người đồng nghiệp Wolfgang Stark ở lượt đi bằng chính những sai lầm. Henning đã bỏ qua 2 tình huống có thể thổi penalty khi hậu vệ Barca phạm lỗi với Drogba. Và không hiểu trọng tài người Nauy cùng các trợ lý "có mắt" hay không trong tình huống Pique để bóng chạm tay quá rõ rệt. Chúng ta có thể hiểu vì sao Ballack và Drogba lại phản ứng cực đoan đến vậy.
Từ năm 2004 tới năm 2009, Chelsea 5 lần lọt vào bán kết Champions League và một lần đi tới trận chung kết. Trong 6 năm ấy, The Blues không một lần giành được chiến thắng cuối cùng. Chức vô địch châu Âu với họ vẫn chỉ là mơ ước.
Claudio Ranieri đã thua. Jose Mourinho đã thua. Avram Grant đã thua. Giờ tới lượt Guus Hiddink. Vết thương của thất bại bao giờ mới được chữa lành? Tham vọng của tỷ phú Roman Abramovich bao giờ mới được cụ thể hoá bằng danh hiệu Champions League?
Phải chăng, chính cái tên thân mật “The Pensioners” (những kẻ về hưu) đã khiến họ trở nên lận đận?
Hết mùa này, Hiddink sẽ ra đi, một ngày mới sẽ lại bắt đầu ở Stamford Bridge...
Kim Uyên